VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Dấu hiệu phục hồi kinh tế đã rõ nét hơn


Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), sản xuất công nghiệp đến tháng 8 này đã dần ổn định và có chiều hướng tích cực với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước và 4,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2008.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng dừng lại ở mức khiêm tốn 10,5 tỷ USD, giảm tới 81,6% so với cùng kỳ năm trước. Song mức thu hút của năm nay vẫn sẽ đạt 20 tỷ USD như dự kiến. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây khẳng định kế hoạch thu hút FDI năm nay hoàn toàn có khả năng thực hiện và vốn thực hiện của các dự án cũng có thể đạt 9 tỷ USD.

Thị trường bán lẻ và dịch vụ trong nước bị ảnh hưởng của dịch cúm A/H1N1, nhưng nhờ giá cả tương đối ổn định, nên vẫn tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước tính tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng 9,3%.

Song cán cân thương mại hiện vẫn nghiêng hẳn về phía nhập khẩu, với giá trị nhập siêu trong 8 tháng là 5,12 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu của nền kinh tế trong 8 tháng đạt 37,25 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Cùng lúc, giá trị nhập khẩu hàng hóa cũng được kìm lại 28%, hiện ở mức 42,37 tỷ USD.

Giá cả trong 2 tháng gần đây có xu hướng bình ổn, khi chỉ số giá tiêu dùng chững lại so với những tháng trước. Giá các mặt hàng thiết yếu trong tháng 8 tăng 0,24% so với tháng trước, và nhích lên 3,47% so với cuối năm 2008.

Hiện một số chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát cao sẽ ít có khả năng quay trở lại trong thời gian trước mắt. Trao đổi với báo giới mới đây, ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, với tình trạng kinh tế Việt Nam, thì mức lạm phát hiện tại là chấp nhận được. Khả năng lạm phát tăng cao lên ngay bởi các biện pháp kích cầu, theo ông, là không đáng lo ngại.

Song nguy cơ tái lạm phát tại Việt Nam được nhận định là có thật, bởi hiệu ứng từ việc nguồn tín dụng lớn bơm vào nền kinh tế trong những tháng đầu năm có thể sẽ biểu hiện rõ hơn trong thời gian tới. Chính ông Lê Đức Thúy cũng thừa nhận, vẫn cần cảnh giác với khả năng này.

Dù đánh giá các chỉ báo kinh tế đang chuyển động theo hướng tích cực hơn, GSO mới đây cũng khuyến nghị Việt Nam chú trọng kích cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa, thông qua hệ thống phân phối hàng hoá nội địa, tạo thuận lợi nhất để hàng sản xuất trong nước đến với người tiêu dùng trong nước.

Mặt khác, song song với các chính sách hỗ trợ hàng xuất khẩu, sản xuất hàng hoá thay thế nhập khẩu, góp phần giảm hàng ngoại nhập, cũng cần khai thác tối đa những thị trường nhập khẩu có lợi thế về thuế suất với những mặt hàng phục vụ sản xuất.

Ngọc Châu - Vnexpress