Lúc đầu những người điều dưỡng được đào tạo tại các bệnh viện theo cách "cầm tay chỉ việc" để làm công việc phục vụ.
Đến năm 1946, các khóa đào tạo y tá, hộ sinh nông thôn được mở ra và sau đó tăng lên trình độ trung học vào cuối những năm 1960. Hệ đào tạo cao đẳng và đại học điều dưỡng được bắt đầu vào cuối thế kỷ XX.
Mặc dù trình độ đào tạo và phạm vi thực hành của điều dưỡng VN hiện nay đã có nhiều thay đổi, song trong nhận thức chung về vai trò của người điều dưỡng chưa được cập nhật phù hợp với thực tế. Theo thạc sĩ Phạm Đức Mục, Phó chủ tịch Hội điều dưỡng VN: “Chúng ta cần có cách nhìn mới về điều dưỡng để phản ánh đầy đủ vị trí và vai trò của người điều dưỡng và nghề điều dưỡng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe hiện nay”.
Người chăm sóc
Chăm sóc là mối quan hệ giữa người với người. Mục tiêu cơ bản của người điều dưỡng là thúc đẩy sự giao tiếp, hỗ trợ người bệnh bằng hành động, bằng thái độ biểu thị sự quan tâm tới lợi ích của người bệnh. Mọi máy móc và kỹ thuật hiện đại không thay thế được sự chăm sóc của người điều dưỡng vì các thiết bị này sẽ không tác động được tới cảm xúc và điều chỉnh hành động cho thích ứng với những nhu cầu đa dạng của mỗi cá thể.
Người truyền đạt thông tin
Thông tin có hiệu quả là yếu tố thiết yếu của mọi nghề phục vụ, trong đó có nghề điều dưỡng. Người điều dưỡng thông tin với đồng nghiệp và các thành viên khác trong nhóm chăm sóc về kế hoạch và việc thực hiện kế hoạch chăm sóc cho mỗi người bệnh. Mỗi khi thực hiện một sự can thiệp về chăm sóc, người điều dưỡng ghi chép vào hồ sơ những nhận xét và những thủ thuật đã thực hiện cũng như sự đáp ứng của người bệnh. Người điều dưỡng thường xuyên giao tiếp cả bằng lời và bằng ngôn ngữ viết mỗi khi bàn giao ca, mỗi khi chuyển người bệnh tới một khoa khác hoặc khi người bệnh ra viện hay chuyển tới một cơ sở y tế khác. Loại giao tiếp này đòi hỏi phải chính xác, rõ ràng và phù hợp.
Người tư vấn
Tư vấn là quá trình giúp đỡ người bệnh nhận biết và đương đầu với những stress về tâm lý hoặc những vấn đề xã hội. Người điều dưỡng tập trung khuyến khích người bệnh xây dựng ý thức tự kiểm soát. Tư vấn có thể thực hiện với một cá thể hoặc nhóm người và đòi hỏi người điều dưỡng phải có kỹ năng để phân tích tình hình, tổng hợp thông tin, đánh giá quá trình tiến triển của người bệnh sau khi đã được tư vấn. Đồng thời, người điều dưỡng cũng phải là một mô hình mẫu, thể hiện sự quan tâm tới lợi ích của người khác, có suy nghĩ sáng tạo và một thái độ linh hoạt, hài hước khi tiếp xúc với các đối tượng người khác nhau. Ngày nay, người ta chú trọng nhiều tới việc nâng cao và duy trì sức khỏe hơn là chỉ chữa bệnh thuần túy. Vì vậy, người bệnh cần có thêm kiến thức để tự theo dõi và chăm sóc nhằm rút ngắn ngày nằm viện.
Người biện hộ cho người bệnh
Người biện hộ nghĩa là thúc đẩy những hành động tốt đẹp nhất cho người bệnh, bảo đảm cho những nhu cầu của người bệnh được đáp ứng. Ngoài ra, người điều dưỡng còn có vai trò là người lãnh đạo, người quản lý, người làm công tác nghiên cứu điều dưỡng và là những chuyên gia giỏi về chăm sóc lâm sàng.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành điều dưỡng nước ta có những thay đổi rất cơ bản: Đã hình thành được hệ thống quản lý điều dưỡng ở các cấp với 65% Sở Y tế đã bổ nhiệm điều dưỡng trưởng, 84,7% các bệnh viện có phòng điều dưỡng; công tác đào tạo điều dưỡng đã nâng lên được hai bậc ở trình độ cao đẳng và đại học; thực hành điều dưỡng đang có chuyển biến thông qua thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện; vị trí xã hội của người điều dưỡng đã được lãnh đạo các cấp của ngành Y tế và xã hội nhìn nhận ngày càng đúng mức. Đây chính là những tiền đề để ngành điều dưỡng VN phát triển và hòa nhập với khu vực.
Theo KIM OANH - Hà Nội mới