VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Bí ẩn card đồ họa và các thủ thuật tăng tốc


Thường trong một dòng card đồ họa của một hãng sản xuất, chúng ta thấy có rất nhiều model, ví dụ: dòng Geforce 6 của Nvidia có Geforce 6200, 6600LE, 6600, 6600GT, 6800LE, 6800, 6800GT, 6800Ultra, Quadro FX3400, FX4000... Thực ra các card đồ họa này chỉ sử dụng một vài loại bộ xử lý đồ họa (GPU), các tên gọi của chúng chủ yếu do các phiên bản BIOS đi kèm qui định. Điều đó sẽ dẫn đến việc 2 chiếc card có tên gọi khác nhau, mức giá khác nhau nhưng cùng sử dụng một loại GPU. Do có cùng “trái tim” giống nhau nên các card đồ họa ở tầm thấp hơn đó hoàn toàn có thể mang những tính năng cao cấp của các bậc đàn anh, chính vì thế dân “vọc” phần cứng có những cách để khám phá sức mạnh ẩn dấu của các card dạng này.

n Unlock pixel shader

Pixel shader (PS) và vertex shader (VS) là các bộ xử lý điểm và đỉnh của chip xử lý đồ họa. Tại các pixel / vertex shader, GPU sẽ tiến hành dựng và tô màu cho các đối tượng đồ họa. GPU càng có nhiều các PS và VS thì nó càng có khả năng xử lý đồng thời nhiều đối tượng đồ họa hơn. Vì thế PS và VS có vai trò quyết định đến khả năng xử lý của GPU. Một số card đồ họa như Geforce 6800LE sử dụng cùng chip NV40 của card Geforce 6800GT, tuy nhiên BIOS đi kèm của nó đã khóa đi 4 PS. Chúng ta có thể unlock 4 PS này để tăng tốc độ xử lý của card Geforce 6800LE bằng cách dùng chương trình RivaTuner 2.0 trở lên. Cách thực hiện như sau:

Tải về chương trình RivaTuner từ địa chỉ http://downloads.guru3d.com/download.php?det=163#download

Sau khi cài đặt bạn khởi chạy chương trình, ở ô Target adaptor, bấm Costumize, chọn Low level system settings. Cửa sổ mới hiện ra, đến tab NV Strap drive bạn chọn install để bật các chỉnh sửa trong mục này. Tại ô Graphics processor configuration, bạn chọn mục Ative pixel / vertex units configuration Costum đồng thời đánh dấu kiểm tại mục Allows enabling hardware masked units, sau đó bấm vào nút Costumize. Cửa sổ Costum graphics processor configuration hiện ra và bạn có thể thấy các dòng có các pixel shader và vertex shader bị disable. Bấm vào Bit Field / Bit Masked để enable các pixel / vertex shader.

Cuối cùng, bấm OK hai lần để xác nhận và trả lời No trước yêu cầu restart máy vì bạn cần đánh dấu vào mục Run at Windows startup tab Settings. Bây giờ bạn mới restart máy và sau đó, chạy thử một chương trình benmark đồ họa (3DMarks chẳng hạn) để xem kết quả. Thường thì cách này có thể tăng khoảng 20 - 30% tốc độ xử lý.

Cũng giống như cách trên, card Geforce 6200 sử dụng chip NV43 với revision A1, A2, A3; card Ati X800GTO... có thể mở khóa thêm 4 pipeline.

n Reflash BIOS

Ở trên là trường hợp các card sử dụng cùng GPU nhưng bị lock các pipeline, trong khi ở một số card, sự khác nhau của nó đối với các card tầm cao hơn chỉ là xung nhịp thấp hơn. Có thể kể đến là một số mẫu card đồ họa như Ati 9550 và 9600 dùng chung chip RV35 và RV36; HD2600PRO và HD26000XT dùng chung chip RV630, HD2900PRO và HD2900XT cùng dùng GPU R600XT... Một trường hợp nữa là những dòng card chuyên dùng cho đồ họa như Quadro của Nvidia và FireGL của Ati cũng sử dụng chung các chip giống như các dòng card thường, nhưng chúng thường đắt và rất khó kiếm. Chính vì thế bạn cũng có thể tận hưởng được cảm giác đồ họa chuyên nghiệp với chiếc card bình thường của mình bằng cách “táy máy” một tý.

Trong trường hợp này, vấn đề chỉ nằm ở chỗ BIOS của các phiên bản card đồ họa này khác nhau, nên cách mà các “vọc sĩ” phần cứng thường sử dụng là reflash BIOS, tức là dùng BIOS của phiên bản mong muốn ghi vào EEPROM của card đồ họa đang có. Ví dụ: bạn có thể flash BIOS của card HD2900XT vào card HD2900PRO hoặc dùng BIOS của Quadro FX 3400 vào card Geforce 6800... bằng các chương trình như Nvflash (http://www.techpowerup.com/downloads/Utilities/BIOS_Flashing/NVIDIA/), Atiflash (http://www.techpowerup.com/downloads/Utilities/BIOS_Flashing/ATI/) chạy trên DOS.

Cách làm cụ thể: tạo đĩa một mềm khởi động, sau đó chép chương trình Atiflash hoặc Nvflash cùng với BIOS định flash vào đĩa mềm đó. Khởi động máy từ đĩa mềm này, đánh câu lệnh atiflash -f -p 0 x.bin (0 là số thứ tự của card đồ họa ) hoặc nvflash x.bin (với x là tên file BIOS). Chờ cho quá trình ghi hoàn tất, khởi động lại máy.

Ở một số trường hợp thì reflash là chưa đủ và bạn còn phải đụng chạm đến cả bo mạch của card. Đương nhiên là việc này cực kỳ nguy hiểm vì nếu phạm sai lầm, bo mạch của card có nguy cơ bị chập, cháy rất cao. Ví dụ điển hình là việc biến card Geforce 6800GT thành Quadro FX4000. Hai phiên bản card đồ họa này cùng sử dụng chip nv40 như 6800GT nhưng lại có 2 mod chip nằm khác nhau, vì thế bạn phải hàn lại mod chip trên card 6800GT sao cho giống Quadro FX4000 rồi mới reflash lại với BIOS của FX4000. Hướng dẫn chi tiết cách làm, bạn có thể xem tại http://forum.amtech. com.vn/showthread. php?t=42482.

n Softmod

Một hình thức khác nữa là Softmod. Softmod là sử dụng các trình điều khiển đã được chỉnh sửa, nhằm đánh lừa Windows và các chương trình để nó nhận thành card đồ họa mong muốn. Ví dụ như biến Ati 9500 thành 9700, Ati 9800SE thành 9800PRO... và biến một số card Ati Radeon thành FireGL, Geforce thành Quadro. Tất nhiên, do can thiệp bằng software nên thực ra cách này cũng không mang lại hiệu quả tích cực mấy trong việc nâng cao tốc độ xử lý của card đồ họa. Bạn nên tham khảo trên các trang web như techpowerup.com, firingsquad.com, forum.amtech.com.vn... hoặc search trên Google với từ khoá là: <tên card> softmod hay drivermod.

n Những điểm cần lưu ý

- Việc đụng chạm đến phần cứng đương nhiên là hết sức nguy hiểm, vì thế bạn phải hết sức cẩn thận và luôn luôn ý thức được những gì mình làm. Cái gì không chắc chắn thì đừng làm.

- Trước khi làm bất cứ việc gì, cho dù là softmod, bạn phải tham khảo kỹ lưỡng những lời khuyên từ các website. Đặc biệt chú ý kỹ mã GPU, subvendors, revision, RAM timing... có thể thực hiện với phương pháp đó. Tốt nhất là nên tìm các bài viết chỉ dẫn trên mạng, ở đó thường bao gồm luôn các đường dẫn đến các file chương trình cũng như BIOS được sử dụng, bạn chỉ cần làm theo là được.

- Với cách reflash BIOS, luôn luôn sao lưu BIOS của bạn lại và nên chuẩn bị sẵn một VGA xài cổng PCI hoặc một mainboard có VGA onboard nhằm đề phòng trường hợp flash BIOS sai hoặc thất bại.

- Sau khi chỉnh sửa, hãy dùng các công cụ như Ati Tool, 3DMarks... để test độ ổn định của card đồ họa, nếu nhận thấy có hiện tượng atifact xảy ra (màn hình bị sọc, nhiễu) thì nên trả lại mọi thứ như cũ.

- Thực ra, với việc softmod hay ngay cả flash BIOS cũng chưa thấy phá hỏng một card đồ họa nào bởi vì softmod sai, chỉ cần uninstall rồi cài lại, flash sai có thể flash lại là được. Vấn đề ở đây là nếu như bạn nâng xung nhịp của nhân và bộ nhớ lên quá cao mà không có biện pháp giải nhiệt hiệu quả thì nó có thể gây ra những hư hại đối với card đồ họa của mình.

TẠ QUỐC THOẠI