Các nhà xuất bản (NXB) lâu năm hầu như không có người trẻ ở vị trí biên tập và nếu có, họ cũng phải qua vài năm đào tạo. Khi hình thức liên kết xuất bản trở nên phổ biến, NXB chỉ đứng tên còn các công ty sách đảm nhiệm mọi khâu, kể cả việc biên tập. Đội ngũ biên tập viên (BTV) trẻ tuổi hình thành từ đó, bởi chẳng dễ mời những BTV nhiều kinh nghiệm. Chu trình đào tạo được rút ngắn hoặc họ tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm qua quá trình làm việc trực tiếp.
BTV Hoàng Sa, Công ty sách Bách Việt nhận xét: "Ưu điểm của người trẻ là sự nhạy cảm với ngôn ngữ đương đại, tiếp xúc với công nghệ hiện đại, ngoại ngữ tốt và nhiệt thành; nhược điểm là thiếu kinh nghiệm, mà kinh nghiệm ngôn ngữ cũng là kinh nghiệm sống".
Việc biên tập ở các công ty thường được làm theo nhóm, nhờ vậy, họ tự tin hơn, nhưng cũng dễ nảy sinh bất đồng: "Các bạn trẻ đặt "cái tôi" cao nên nhiều khi làm việc cũng căng thẳng", Nguyễn Thị Thu Yến, BTV tiếng Anh Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam nói.
Để biên tập sách chuyên môn, sách văn học, người biên tập cần có năng lực về chuyên môn, có gu thẩm định và độ nhạy cảm ngôn ngữ như người sáng tác, thậm chí cần có tài năng. Nhưng để thoả mãn nhu cầu "ngốn" sách của thị trường, các công ty tăng vùn vụt lượng sách, nên các cử nhân được tuyển dụng để đáp ứng công việc.
Một nhà văn nói: "Số lượng sách tăng theo cấp số nhân, liệu những BTV trẻ này có thể "làm hay" cuốn sách, hay chỉ có thể "làm đúng" theo công nghệ sách?". Thực tế các nhà sách tư nhân cũng chưa đạt đến trình độ biên tập chuyên nghiệp theo nghĩa "công nghệ hóa", thậm chí có công ty còn không có người biên tập hoặc họ chỉ làm công việc chữa lỗi bản in. Nhưng ở đâu cũng có ngoại lệ, nghĩa là có người biên tập tài năng. Những người đó lại khó ở lâu với nghề khi vấp phải một "tảng đá" khác...
Biên tập viên thực sự ở các công ty sách cũng thấm thía đủ niềm vui, nỗi khổ của nghề, nhưng sự "đãi ngộ" lại làm nhiều người trẻ ngại ngần. Họ thường phải rất đa năng để đảm bảo thu nhập và tạo cảm giác năng động, nhưng ngược lại cũng dễ biến thành những cái máy chạy việc. Trên thực tế, công việc này chủ yếu dành cho những cử nhân văn chương vừa ra trường khó tìm việc.
Tuy vậy, đối với những người đam mê thật sự, vấn đề chính không phải ở mức lương. Vì quyền chính danh biên tập thuộc về NXB nên tên người biên tập sẽ xuất hiện trong mục "sửa bản in". Do đó, ở các công ty sách tư nhân đây chỉ là một công việc trong dây chuyền làm sách chứ không phải một nghề đúng nghĩa. "Phải chấp nhận vô danh và vui với cuốn sách được ra mắt. Khi sách ra, mình còn hồi hộp hơn cả tác giả ấy chứ", BTV Trần Thị Thanh Thủy, Công ty sách Bách Việt chia sẻ.
Đấy là nghịch lý của người biên tập ở công ty sách và nghịch lí này lại tạo kẽ hở trong quản lý chất lượng xuất bản kiểu "cơ chế thị trường". Các BTV ở công ty sách không phải chịu trách nhiệm về việc biên tập, và sách hay dở thế nào thì NXB cũng được/bị "mang tiếng oan". Chẳng biết hại ai lợi ai, nhưng tình trạng này kéo dài sẽ gây cảm giác "lập lờ đánh lận con đen" và nguy hiểm nhất chính là việc các cuốn sách có thể bị "đem con bỏ chợ".
Có thể thấy đội ngũ những người làm công việc biên tập trẻ tuổi, có năng lực và tâm huyết với sách ở các công ty không được danh chính ngôn thuận, và khi công ty chạy theo đầu sách thì "nghề sang" dễ thành "lao động phổ thông". Còn nếu cứ mãi lập lờ danh-chức thế này, khổ nhất sẽ là sách, khổ nữa chính là bạn đọc sách hay dở cũng không biết khen ai, chê ai...
Mức lương trung bình cho BTV mới ở các công ty sách: 2 triệu/tháng, tuy vậy ở các công ty luôn có chế độ "lương mềm", không giới hạn, tùy năng lực, kinh nghiệm làm việc, hiệu quả công việc. Khoa Xuất bản - Học viện Báo chí -tuyên truyền hiện là cơ sở duy nhất ở Việt Nam đào tạo biên tập viên cho công tác xuất bản (cử nhân và thạc sĩ). Biên tập luôn là một nghề mở cho tất cả những người có năng lực làm việc phù hợp trong khi BTV luôn ở cả NXB và các công ty sách hiện nay còn mỏng và yếu. Việc tuyển dụng cũng tương đối khắt khe. |
Theo ĐĂNG THOAN - Lao động