VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

DJ - phù thủy âm thanh


Giới nhạc Hà Nội vẫn biết đến Tùng như một DJ gạo cội. Nhưng ít ai trong số họ hiểu được con đường để trở thành một người chỉnh nhạc thực sự của Tùng thế nào. Những năm 1997-1999, khi nói DJ, chắc chắn đa phần người ta còn rất bỡ ngỡ và không hiểu nó là cái gì.

Năm đó Tùng đã xuyên Việt vào Nam sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, theo chân một người Philippines học nghề này. Thời gian đầu anh làm chân chạy lon ton cho họ, nhưng khi tiếp xúc với các thể loại âm nhạc, anh đã bị cuốn hút, say mê và quyết định theo nghề.

Để nâng cao tay nghề và trang bị những kiến thức âm nhạc cơ bản, Tùng vào học tại Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội Hà Nội. Anh cho biết, một DJ phải luôn trau dồi âm nhạc, nắm bắt được những cái mới, cái hay của những bản nhạc đang thịnh hành trên thế giới, rồi qua đôi tai của người nghệ sĩ sáng tạo nên nét riêng cho nó.

Ngay khi đã học và sáng tạo rồi, DJ phải thể hiện được rằng, cũng bài đó khi chơi trong các đêm thì không được lặp lại mà phải được "phẫu thuật" cho khác hôm trước. Điều này rất khó, bởi đó là kinh nghiệm và cách sáng tạo thông minh của một DJ. Theo Tùng, thường thì sự thăng hoa cao nhất chính là lúc DJ "phiêu" trong khi chơi nhạc.

Trong một đêm nhạc, không bao giờ DJ chơi tốt nhất được mix đầu giờ, mà được sắp xếp theo một sự tăng tiến, update dần dần. Khi thấy người nghe đến hồi "máu", DJ chủ chốt mới được tung vào. Họ có nhiệm vụ thổi hồn cho các bản nhạc, hòa mình theo những nhạc điệu, gây cảm hứng cho người nghe.

Tuy nhiên, DJ cũng thường hay gặp phải một vài "tai nạn" nghề nghiệp khi đang "thăng" với những tiết tấu sôi động. Sự cố mà họ vấp phải nhiều nhất là 2 bài trong lúc mix bị chênh nhau. Trường hợp này thì xử lý đơn giản, vì trong máy có bộ phận tempo, DJ chỉ việc ấn vào các nút điều chỉnh cho hai bản nhạc đó bằng nhau. Song, thời gian để chỉnh rất nhanh, thường tính bằng giây. Có một sự cố không thể xử lý được là đĩa bị nhảy do đầu đọc kém hoặc đĩa bị xước.

Tùng nói, DJ chuyên nghiệp không bao giờ chơi những bản nhạc sáng tác bởi công nghệ mà phải bằng đôi tai của mình để sáng tạo. Anh dẫn chứng, để phân biệt rạch ròi giữa DJ có nghề với DJ nghiệp dư, hãy đưa cho họ 2 bản nhạc và bảo họ mix chúng. DJ nghiệp dư có thể mix được nhưng có điều chuyển từ bài A sang bài B khác hẳn nhau.

DJ - Disc Jockey, nghĩa là người chỉnh nhạc. Nghề này ra đời từ những năm 50 của thế kỷ trước bởi người dân Jamaica. Nhưng phải tới cuối những năm 60 sau khi du nhập vào Mỹ, nghề DJ mới thực sự phát triển.

Nhờ đôi bàn tay khéo léo, các DJ đã nối kết các bản nhạc, hòa quyện chúng một cách nhịp nhàng, tài tình và đầy sáng tạo.

Nhận định về vấn đề này, nhạc sĩ Đỗ Bảo đưa ra lời khuyên: "Các bạn trẻ nên xem là mình làm DJ phong trào hay chuyên nghiệp. Nếu làm chuyên nghiệp thì phải học nhạc lý cơ bản, nắm vững hòa thanh, tiết tấu, tìm hiểu về hòa âm và sáng tác". Cũng theo anh, chỉ có dân chuyên nghiệp mới có thể tồn tại lâu bền với nghề này.

Đã gần 10 năm trong nghề, giờ Tùng đang làm manager kiêm DJ của một CLB ở Thanh Xuân (Hà Nội). Ở đây, nhạc chủ đạo mà các DJ chơi hằng đêm là dòng electronic house. Loại nhạc này không ồn ào, không có những đoạn dance sôi nổi, giai điệu lâm li và dài. Càng nghe càng chìm sâu vào vì nó dẫn người nghe đi từ cảm xúc này đến cảm xúc kia mà không bị nhàm chán.

Người nghe nhạc house rất khó tính, ưa kiểu nhâm nhi. Nhiệm vụ của DJ là làm sao khiến thính giả bất ngờ mà thốt lên "à, nó (bản nhạc) qua rồi". Chính cái khác biệt của nhạc house đã tạo cho CLB Tùng làm một tên tuổi riêng ở Hà Nội.

Tùng tâm sự, nghề DJ vốn làm trong các vũ trường hay quán bar, ít xuất hiện ở các bữa tiệc nên không khỏi bị những định kiến không hay của xã hội. Nghe đến CLB hay vũ trường là trong đầu hình dung ra sự ăn chơi, thác loạn, lắc... Nhưng bản thân thứ nhạc này và người chơi không có tội.

Đồng cảm với nghề DJ, một số nhạc sĩ cho rằng, đây là một nghề sáng tạo nghiêm túc. Nhạc sĩ Đỗ Bảo khẳng định: "Đó là một nghề nghệ thuật, nằm ngoài sự đua đòi, a dua theo bản năng. Người chơi là những nghệ sĩ thực thụ vì đã mang đến cho người nghe một hình thức nhạc mới mẻ và hấp dẫn".

Hà "Quẩy", một cái tên trìu mến mà bạn bè đặt cho, cũng là một DJ khá quen thuộc với giới trẻ tại một vũ trường lớn ở Hà Nội. Chàng trai 24 tuổi vốn là một lưu học sinh bên New Zealand chuyên về thiết kế đồ họa. Trong một lần tham dự buổi tiệc Asian Party do các sinh viên từ nhiều nước châu Á tổ chức, Hà đã bị hớp hồn bởi những âm thanh bí ẩn của âm nhạc điện tử. Vậy là cậu theo nghề tay trái DJ.

Bản thân Hà không coi mix nhạc là một "cần câu cơm" cho mình mà làm nghề bằng niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng. Dòng nhạc sở trường của anh là hard trance. Theo anh, hiện nay ở VN rất hiếm người nghe loại này vì nó quá nặng và quá mạnh. Chỉ khi nào thật "sung" người ta mới bắt kịp và hòa mình được với giai điệu dồn dập của hard trance. Trong thể loại nhạc hard thì hard core là nặng nhất. Ở một chương trình DJ, thì các giai điệu của thể loại nhạc hip hop, house (funky, hard hay deep house) sẽ vang lên trước. Sau đó mới đến các âm thanh sôi động của dance, trance và cuối cùng hard trance sẽ cất lên để đưa khán giả "trèo" lên nấc thang cao nhất của sự giải tỏa.

Hà "Quẩy" tâm sự: "Chơi hard trance là thể loại nặng và mạnh nên tai thường hay bị nghễnh ngãng, nhưng trót đam mê nên phải theo đến cùng". Sắp tới, Hà sẽ tham dự cuộc thi "Ai sẽ là DJ sáng tạo 2006" tại TP.HCM. Anh sẽ mang đến cuộc chơi này sự mới mẻ với những bản nhạc tự sáng tác

Gần đây, ngoài việc mix nhạc theo cách thông thường (DJ điện tử), các DJ còn mix bằng miệng (DJ beat box). Năm nay, tròn 19 tuổi, Kiên đang theo học Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, khoa Diễn viên điện ảnh nhưng cậu đã có thâm niên chơi beat box từ năm lớp 11. Kiên nói, mỗi lần nghe được một bản nhạc mới là thấy "ngứa ngáy" và muốn làm theo ngay, phối lại để tạo ra nét riêng. Thường mọi người đã quá quen thuộc với những đĩa nhạc, Kiên muốn mang đến cho người nghe sự thưởng thức mới, thô sơ chính là bộ phận trên cơ thể.

"Nghề DJ cần những nghệ sĩ hiểu nhạc lý, có khả năng tư duy sáng tạo, rất có kiến thức về những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp cũng như các công cụ để thực hiện những gì họ cần. Tuy nhiên, cần phải làm sao để sáng tạo của mình đến được với công chúng và được xã hội công nhận". (Nhạc sĩ Đỗ Bảo)  

Khi Kiên cất tiếng, từng tiết tấu của trống (theo kiểu trống điện tử hay trống thường) người nghe thấy như đang thưởng thức một thứ nhạc được tạo bởi công nghệ chứ không phải bằng miệng. Làm nhạc bằng miệng khiến Kiên cảm giác như mình quản lý được âm nhạc, điều khiển nó mà không cần đến những công tắc, nút ấn...

Trong beat box có 3 âm cơ bản là kick - drum, snare - drum và hi - hat. Người chơi beat box phải có năng khiếu "bắt chước" rất tốt để khi nghe một bản nhạc xong sẽ được nghệ sĩ mix lại. Mỗi khi làm một bản nhạc beat box, Kiên phải khổ luyện, chỉnh sửa rất nhiều rồi so sánh với nhạc trên mạng xem độ chuẩn đã tương đối hay chưa.

Kiên nói, khó khăn lớn nhất của một DJ beat box là với một đoạn nhạc có quá nhiều nhạc cụ, thì không biết làm theo tiết tấu nào. Nhưng một beat box cần nhất là tìm được tiết tấu chung. Hầu hết là giả theo tiếng trống, còn khó hơn là tiếng đàn organ, piano hay saxophone.

Bản thân Kiên cũng thường tập theo giai điệu bass không chỉ vì nó đơn giản, mà bass còn là một dụng cụ rất quan trọng, không thể thiếu được của một bài hát. Ngoài yếu tố đó, những tiếng đập thúc giục, âm thanh mạnh, dứt khoát của trống dễ tạo được sự hứng khởi, sôi động. Nó khác hẳn với tiếng đàn nhị vì làm giả theo tiếng nhị vừa ít nhịp vừa không gây cho người nghe cảm giác hào hứng.

Trình độ của beat box thể hiện đẳng cấp nhất ở việc DJ làm được hai âm thanh cùng lúc, vừa hát vừa trống. Kiên tiết lộ, anh đang cố gắng tập luyện thường xuyên để hoàn thiện hơn nghệ thuật biểu diễn đó. Nhưng điều quan trọng hơn cả của DJ beat box là biết khán giả cần gì và thiếu gì bởi nhiệm vụ cuối cùng cũng chỉ để phục vụ tới đông đảo người nghe. Cái lôi cuốn của thể loại DJ này ở chỗ mới lạ và được làm thủ công.

Theo Ngôi sao