VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Kết nối âm thanh kỹ thuật sô


Hiện nay, đa số người dùng máy tính và các thiết bị âm thanh thường dùng các dây dẫn có đầu cắm 3,5 ly (3,5 mm) hoặc jack cắm bông sen đế kết nối tín hiệu âm thanh giữa các thiết bị. Kiểu kết nối cổ điển này (kết nối tương tự - analog) cho chất lượng âm thanh ở mức độ chấp nhận được. Muốn âm thanh phát ra nghe hay hơn, người ta dùng kiểu kết nối âm thanh kỹ thuật số (SPDIF - viết tắt từ cụm từ Sony/Philips Digital Interface). SPDIF đã và đang được các nhà sản xuất thiết bị điện tử tích hợp trên các mainboard máy tính, card âm thanh, laptop, đầu đĩa DVD... loại cao cấp, tuy nhiên giá cũng ở mức vừa phải.

Nhận biết thiết bị hỗ trợ kết nối SPDIF

Thật ra, kết nối âm thanh kỹ thuật số SPDIF đã được tích hợp trên các ổ đĩa quang (CD, DVD). Tuy nhiên do thiết bị kết nối SPDIF hơi đắt tiền nên người ta chỉ dùng dây dẫn kèm theo ổ đĩa quang trước đây để kết nối cổng analog trên ổ đĩa quang xuống cổng analog của mainboard, và tín hiệu được đấu nối để đi thẳng ra loa mà không cần phải xử lý. Các ổ đĩa quang đời mới không còn dây dẫn loại này.

Bạn quan sát mặt sau của ổ đĩa quang sẽ thấy các ngõ xuất tín hiệu analog và digital. Về sau, các hãng sản xuất card âm thanh tích hợp cổng xuất tín hiệu âm thanh kỹ thuật số, rồi các hãng sản xuất mainboard cũng bắt đầu tích hợp cổng xuất tín hiệu âm thanh kỹ thuật số lên các loại mainboard cao cấp. Mới đây, các dòng laptop cao cấp phục vụ cho đối tượng người dùng có nhu cầu giải trí cũng đã tích hợp cổng xuất tín hiệu âm thanh kỹ thuật số. Tương tự, các hãng sản xuất đầu đĩa DVD cũng đã nhanh chóng đưa cổng xuất hoặc thậm chí cả cổng nhận âm thanh kỹ thuật số vào các dòng sản phẩm mới.

Đối với các đầu đĩa, bạn dễ nhận biết các cổng âm thanh kỹ thuật số bằng phần ghi chú rõ ràng ở mặt sau của đầu đĩa, thể hiện trong khung mô tả có từ digital. Thông thường, các thiết bị có tính năng phát, thu âm thanh kỹ thuật số đều có cả 2 cổng cắm: đầu tròn (gần giống kiểu jack cắm bông sen) bên trong là màu cam để kết nối bằng cáp đồng trục (coaxial), hoặc đầu cắm dạng vuông màu đen dùng cho kết nối bằng cáp quang (optical). Các dòng mainboard cao cấp hoặc laptop cao cấp cũng đưa 2 cổng kết nối này ra ngoài nên bạn có thể nhận biết được. Còn những dòng mainboard cũng có tính năng phát âm thanh kỹ thuật số nhưng vì tiết kiệm chi phí nên không đưa 2 cổng này ra ngoài mainboard, khi đó bạn phải dùng bộ đấu nối tín hiệu kèm theo mainboard (hoặc mua thêm) để lấy tín hiệu âm thanh kỹ thuật số từ các chân cắm trong cụm có ghi chữ SPDIF. 

Yêu cầu của kết nối SPDIF

Để thực hiện kết nối này, các thiết bị tham gia vào phát âm phải có kết nối SPDIF. Kết nối này chỉ dùng một sợi cáp quang hoặc đồng trục để kết nối nguồn phát âm đến ampli, lọc... hoặc dàn âm thanh dạng Home Theatre. Trong khi đó, kiểu kết nối cổ điển thì dùng nhiều sợi cáp đồng bình thường để kết nối.

Chính vì dùng loại cáp quang hoặc đồng trục nên tín hiệu âm thanh truyền bên trong cáp không bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh (từ trường, điện trường...), không không bị nhiễm tạp âm, đảm bảo chất lượng âm thanh phát ra. Mỗi sợi cáp dùng trong kết nối SPDIF thường có giá hơn 100.000 đồng. Khi sử dụng, nếu cáp bị đứt, bạn phải thay mới hoặc nhờ các dịch vụ chuyên hàn cáp loại này với giá trên 30.000 đồng cho mỗi mối nối chứ không thể tự tay nối như các dây dẫn điện quen thuộc.

Nếu chưa có điều kiện trang bị loại loa có tính năng kỹ thuật số (thường có từ digital trong tên loa) có cổng kết nối quang hoặc cáp đồng trục, bạn vẫn có thể dùng loại loa thường dùng nhưng là loại cao cấp để kết nối đến các cổng xuất âm thanh ở ampli bằng dây dẫn thường. Hiện nay, loại loa có kết nối digital đã có trên thị trường, giá khoảng từ 5 triệu đồng trở lên, như Logitech Z-5450 Digital 5.1, Logitech Z-680 Digital...

Kết nối cáp quang không chỉ dừng lại ở việc truyền tín hiệu âm thanh. Người ta còn dùng nó để truyền tín hiệu hình ảnh, hoặc thậm chí truyền cùng lúc cả tín hiệu âm thanh và hình ảnh.

THÂN TIẾN NAM