VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Kinh doanh thẻ tín dụng: nhiều cơ hội nghề nghiệp


Cơ hội của nghề này vẫn đang nằm trong danh sách "tiềm năng" dù khá nhiều giao dịch thanh toán cho mục đích cá nhân qua ngân hàng đang được khuyến khích thời gian qua.

Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thanh toán bằng thẻ mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển của thị trường thẻ tín dụng Việt Nam được đánh giá rất lớn, nhất là sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO.

Nắm bắt tiềm năng

Ngày càng nhiều ngân hàng tham gia phát hành các sản phẩm thẻ tín dụng của các "đại gia" như Master, Visa thông qua mạng lưới các nhân viên kinh doanh thẻ. Cạnh tranh trên thị trường thẻ tín dụng càng khốc liệt, càng đòi hỏi cao ở nhân viên kinh doanh thẻ những phẩm chất đặc trưng như trung thực, nhiệt tình và linh hoạt.

Cũng vì là hình thức thanh toán mới mẻ đối với người tiêu dùng nên trong quá trình làm việc, nhân viên kinh doanh thẻ phải đối mặt với nhiều tình huống khác nhau đòi hỏi sự nhiệt tình và linh hoạt trong giải quyết.

Các nhân viên kinh doanh thẻ cho biết việc khách hàng vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc chậm đóng phí, chậm thanh toán các khoản chi tiêu... thường xuyên xảy ra. Một số khách hàng khi sử dụng thẻ bị trừ phí chậm thanh toán và bị tính lãi khoản chi tiêu vì quá hạn thanh toán, do không hiểu nên phản ứng rất gay gắt với nhân viên kinh doanh thẻ. Trong những trường hợp như thế, theo các nhân viên kinh doanh thẻ, họ phải hết sức mềm mỏng, nhã nhặn và trên miệng thường trực một câu "xin lỗi".

Anh Trần Anh Tuấn, phó trưởng phòng dịch vụ thẻ Incombank, cho biết cũng giống như các vị trí khác trong ngân hàng, vì hằng ngày phải tiếp xúc với tiền nên nhân viên kinh doanh thẻ trước hết phải trung thực.

"Qui trình xét cấp thẻ tín dụng rất nghiêm ngặt, phải qua nhiều khâu thẩm định nên không thể tùy tiện được" - anh Phan Anh Tuấn, nhân viên kinh doanh thẻ tại một ngân hàng TMCP, chia sẻ.

"Khách hàng luôn đúng" là nguyên tắc vàng mà các nhân viên kinh doanh thẻ luôn tâm niệm, bởi thẻ tín dụng vẫn còn khá lạ lẫm với người Việt Nam. Ở mỗi ngân hàng bao giờ cũng có bộ phận chăm sóc khách hàng, nhưng có một thực tế là người sử dụng thẻ khi xảy ra vấn đề gì thường chỉ gọi cho nhân viên kinh doanh thẻ. Vì vậy, họ luôn trong tâm thế sẵn sàng, chỉ cần khách hàng gọi là lên đường bất kể mưa nắng, ngày đêm. Các nhân viên kinh doanh thẻ cho hay việc hỗ trợ khách hàng vào những giờ oái oăm như nửa đêm về sáng không phải là hiếm.

Tự nâng tầm

Anh Trần Anh Tuấn cho hay chính môi trường làm việc áp lực và luôn phải tiếp xúc với nhiều người đã giúp anh hoàn thiện tính cẩn thận, tỉ mỉ, đặc biệt là thái độ luôn điềm tĩnh, niềm nở với khách hàng. Qua công việc này, kiến thức về tài chính ngân hàng cũng như hiểu biết về các vấn đề kinh tế - xã hội của anh được nâng lên.

Anh Hợp, đồng nghiệp cùng cơ quan với anh Phan Anh Tuấn, là một nhân viên kinh doanh thẻ có thâm niên trong nghề tâm sự: "Làm nghề này "võ công" của tôi lên lắm". "Võ công" mà anh đề cập ở đây chính là kiến thức về nghiệp vụ, trình độ giao tiếp cũng như khả năng ứng biến trong những tình huống khác nhau.

Anh Tuấn nói thêm: "Đối tượng khách hàng của dịch vụ thẻ tín dụng chủ yếu là giới công chức, doanh nhân, những người có địa vị hay thu nhập cao. Nhiều người có nền kiến thức rất vững và hiểu biết rộng. Nếu mình không tự nâng cao hiểu biết, trình độ thì làm sao nói chuyện được với họ. Mà như thế thì khó thuyết phục họ sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng của mình lắm".

* Theo một báo cáo của Citi Group, trong khi người Ấn Độ và Trung Quốc sử dụng thẻ tín dụng như một tấm thẻ căn cước thì 12% người Úc sử dụng thẻ tín dụng hơn 10 lần trong một tuần, và trung bình mỗi người dân Úc có 2,1 tấm thẻ ngân hàng.

81% người Hàn Quốc thanh toán các khoản chi tiêu bằng thẻ tín dụng hăng tháng; 65% sử dụng thẻ tín dụng chứ không dùng tiền mặt hay thẻ ghi nợ.

Người dân Malaysia giữ kỷ lục về thẻ, với 84% dân số hiện đang có trong ví ba chiếc thẻ của các ngân hàng khác nhau; trung bình mỗi người sở hữu 3,26 thẻ. Ở Ấn Độ và Indonesia, 60% chỉ sử dụng thẻ 1-2 lần trong tuần.

* Thị trường thẻ VN tăng trưởng bình quân 300%/năm, với các sản phẩm ngày càng phong phú đa dạng. Tuy nhiên, số lượng phát hành thẻ thanh toán quốc tế cũng như nội địa nói trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và qui mô của thị trường như kỳ vọng.

Trong tổng số hơn 22 triệu dân cư đang sống ở 500 khu đô thị lớn nhỏ trên cả nước, ít nhất 10 triệu người có thể trở thành đối tượng sử dụng tiềm năng các loại thẻ ghi nợ trả trước; chưa kể đến số có tiềm năng sử dụng thẻ tín dụng.

Theo MINH DƯƠNG - Lao Động