VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Nóng hổi nghề thiết kế


Tỷ số chọi vào khoa mỹ thuật công nghiệp (MTCN) riêng ở Đại học Kiến trúc TP.HCM hai năm gần đây lúc nào cũng tròm trèm con số 1 chọi 20-25!

Đầu vào đắt hàng

Sinh sau đẻ muộn và được xem là khoa đào tạo MTCN mới nhất ở VN nhưng chỉ mới sau hai năm thành lập, khoa MTCN của Đại học dân lập Văn Lang, TP.HCM đã thu hút gần 400 SV theo học bốn ngành tạo dáng, đồ hoạ, thời trang và trang trí nội thất. Thu hút nhiều SV theo học nhất hiện vẫn là chuyên ngành đồ hoạ (với tất cả những gì liên quan đến ấn phẩm, xuất bản như: logo, bao bì, áp phích, tranh truyện, sách báo, catalogue…), tiếp theo là ngành thiết kế nội thất. Hai lĩnh vực này hiện tương đối dễ tìm được việc làm.

Hiện có khoảng trên 2.800 SV, kể cả hệ tại chức, đang theo học khoa MTCN ở TP.HCM, trong đó Đại học Kiến trúc có gần 700 SV; Tôn Đức Thắng khoảng 500 SV, Văn Lang gần 400 và Hồng Bàng trên 1.600 SV. Ngoài 4 ngành học cơ bản, riêng ở Hồng Bàng hiện còn có thêm ngành hoạ hình Manga.

Ở Hà Nội và khu vực phía Bắc nói chung thì ngoài khoa MTCN ở Đại học Mở với khoảng 600 SV theo học thì Đại học MTCN Hà Nội ngoài việc đào tạo các hoạ sĩ thiết kế chủ yếu trong các lĩnh vực chính như đồ hoạ, thiết kế công nghiệp, thời trang, trang trí nội thất... hiện vẫn duy trì việc đào tạo một số ngành nghề truyền thống như sơn mài, gốm, thủy tinh... với tổng số 13 chuyên ngành và khoảng 800 SV chính quy (không kể các hệ đào tạo liên kết, từ xa...).

Để đáp ứng nhu cầu và đào tạo thiết kế tại VN như thế nào hiện là vấn đề đang nóng. Thế nhưng, thiết kế (design) theo thuật ngữ quốc tế nói chung hay thiết kế mỹ thuật công nghiệp hoặc mỹ thuật ứng dụng - tên gọi này tới nay hiện vẫn chưa được thống nhất tại VN, dù việc này đã từng được đưa ra tranh luận không ít lần ở cấp bộ (Văn hoá - thông tin).

Học trường chẳng bao nhiêu!

Tốt nghiệp khoa MTCN ngành đồ hoạ Đại học Kiến trúc cách đây hơn 3 năm, mặc dù dễ dàng tìm việc làm hơn so với nhiều bạn học các chuyên ngành khác, nhưng một thiết kế viên vẫn thú nhận gần như phải vừa đi làm vừa học lại từng chút một vì những kiến thức học ở trường dường như không ăn nhập gì với thực tế công việc ở một công ty “nhỏ xíu” trong nước. Đến khi vào làm cho một công ty nước ngoài, đã có chút ít tự tin với “vốn liếng” đã có nhưng anh vẫn bị “sốc” vì thấy mình... “chưa bằng ai”.

Thu Chính, cựu SV của lớp M98 Đại học Kiến trúc TP.HCM cũng cho biết lý do cô đến với ngành tạo dáng vẫn là do yêu thích nhưng thực tế cho đến nay, lĩnh vực thiết kế tạo dáng công nghiệp vẫn chưa được tiếp cận do ngành sản xuất công nghiệp và công nghệ khuôn chưa phát triển. Trong mười mấy bạn cùng khoá với Thu Chính cũng chỉ có vài người vào làm việc cho SYM, và công việc chính ở đó vẫn là xem xét, coi sóc khuôn mẫu bởi thực tế công việc sáng tạo chưa được áp dụng ở VN và các khuôn mẫu vẫn còn phải nhập về từ công ty mẹ. Bản thân Thu Chính hiện cũng đang làm việc cho một công ty thiết kế quảng cáo và công việc thì không liên quan gì đến tạo dáng: “May mà trong chương trình học, tuy mạnh về hình khối nhưng tạo dáng còn bao gồm cả đồ hoạ, thiết kế...”, cô nói.

Trên thực tế, việc đào tạo ở các trường vì vậy đang là vấn đề làm nhiều người trong nghề quan tâm. Một kiến trúc sư “lão làng” trong nghề nội thất ở TP.HCM cho biết công ty anh đã từng nhận đến bốn thiết kế viên được đào tạo chuyên ngành đàng hoàng, thậm chí có người từng đỗ thủ khoa của ngành, nhưng… lại “không sử dụng được”. Tiếc cho điều này, anh trăn trở: “Điều quan trọng nhất là những sản phẩm tạo ra không “bắt” được thị trường, không gắn được với thực tế và… không sản xuất được!”.

Còn bi đát hơn tình trạng đó, người thiết kế tạo dáng nói riêng hiện còn quý hiếm hơn bởi con số đào tạo thật sự còn quá ít ỏi so với nhiều ngành khác. Theo những người trong nghề, mỗi năm TP cho ra đời khoảng 30-40 “designer” (thiết kế viên) bao gồm cả 2 trường Kiến trúc và Hồng Bàng (gần đây còn có thêm Tôn Đức Thắng), Văn Lang thì mới bắt đầu đào tạo được hai năm, các SV hiện còn đang học chương trình đại cương. Ở khu vực phía Bắc, Đại học MTCN Hà Nội mỗi năm cũng chỉ cho ra đời khoảng 20 “designer”... Trong con số quá ít ỏi đó thì cũng chỉ còn khoảng 40-50% người còn tiếp tục “trung thành” với nghề, số còn lại “cung không gặp cầu”. Đó là chưa kể đến những tồn tại, lạc hậu trong các phương thức đào tạo cũng như điều kiện để tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới…

“Hiện tại, ở một số nước phát triển các mô hình đào tạo design rất phong phú nhưng tiếp nhận như thế nào, đi theo hướng nào để áp dụng, mở rộng tại VN thì chưa có ai ngồi tính. Ai cũng biết vấn đề đào tạo design ở nước ta đang có nhiều hạn chế nhưng cái quan trọng nhất không phải vì ta quá nghèo như xưa mà nằm ở chỗ chưa có phương hướng phù hợp, nói thì hay nhưng khâu thực hiện thì chưa được - giống như một căn bệnh trầm kha bấy lâu ai cũng biết là giữa học và hành, giữa lý luận và thực tiễn lúc nào cũng khác xa nhau”, thầy Phan Quân Dũng, chủ nhiệm khoa MTCN Đại học Văn Lang nhận định.

Từ năm 1984, sau khi trở thành đại học, đại học MTCN Hà Nội đã mở chi nhánh phía nam và đào tạo được ba khoá với khoảng 40 cử nhân. Bộ môn MTCN được thành lập sau đó tại đại học Bách khoa TP.HCM với ba chuyên ngành Thiết kế đồ hoạ, Nội thất và Tạo dáng công nghiệp. Tháng 9-1996, khoa MTCN chuyển từ Bách khoa sang Kiến trúc và trở thành bộ môn (từ 2002 chuyển thành khoa) MTCN gồm bốn chuyên ngành Thiết kế đồ hoạ, Thiết kế nội thất, Thiết kế tạo dáng CN và Thiết kế thời trang.

Trong những năm 1990, nhiều trường ĐH dân lập cũng bắt đầu mở cơ sở đào tạo cử nhân MTCN. Tại TP.HCM có khoa MTCN thuộc Hồng Bàng (1997); năm 2000, đại học Tôn Đức Thắng thành lập Trung tâm ứng dụng và phát triển MTCN, liên kết với trường đại học MTCN ở Hà Nội đào tạo hệ tại chức MTCN và các chuyên đề thiết kế trên máy vi tính ngắn hạn và sau này phát triển đào tạo chính quy MTCN; năm 2004 có thêm Văn Lang...

Tại Hà Nội có viện đại học Mở đào tạo các chuyên ngành MTCN như trang trí nội ngoại thất, đồ hoạ và thời trang. Ở miền Trung, trường Nghệ thuật Huế thuộc đại học Huế cũng đào tạo ngành Mỹ thuật ứng dụng. Ngoài ra, một số khoa đào tạo về thiết kế thời trang cũng có ở một số trường khác như trường ĐH Kiến trúc (Hà Nội), trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM... 

Theo Sài Gòn tiếp thị