VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Kiểm lỗi phần mềm - nghề thu hút nữ giới


Kiểm tra chất lượng nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra của khách hàng là khâu rất quan trọng trong bất kỳ quy trình sản xuất nào. Sản phẩm hoàn thiện, chất lượng cao sẽ tạo thêm niềm tin và uy tín của công ty với đối tác. Chính vì vậy, tester là vị trí không thể thiếu và công việc này quyết định khá nhiều vào sự thành công chung của dự án.

Thông thường tester không nhất thiết phải là người có trình độ chuyên môn giỏi, nhưng yêu cầu chung là thông thạo ít nhất một ngôn ngữ lập trình và có hiểu biết cơ bản về kiểm tra phần mềm. Ngoài ra, tester cần thêm kỹ năng phân tích, thiết kế, lập trình và hiểu biết về các lĩnh vực ứng dụng khác nhau của phần mềm. Điều quan trọng không kém là trình độ tiếng Anh đủ để viết và đọc hiểu tài liệu chuyên ngành.

Theo ông Trần Nam Dũng, Trưởng phòng nhân sự và đào tạo Công ty Phần mềm FPT (FSOFT) thì tester phải kiểm tra hoạt động của các chương trình phần mềm theo yêu cầu khách hàng đặt ra, tìm lỗi, chuyển sang nhóm lập trình sửa chữa, đồng thời phải dự đoán được lỗi này bắt nguồn từ đâu. Ngoài ra, các tester phải viết tài liệu về kiểm tra như quy trình, hướng dẫn sử dụng... Do đặc điểm công việc đòi hỏi phải cẩn thận, siêng năng và có tính kỷ luật cao nên rất phù hợp với giới nữ. Tại đây, gần 90% tester thuộc phái yếu.

Chị Đỗ Thị Thu Hương, cựu SV ngành Hệ thống thông tin ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: "Công việc khá hấp dẫn vì luôn có những thách thức. Phát hiện lỗi và dự đoán nguyên nhân sẽ góp phần không nhỏ trong việc tạo ra những sản phẩm hoàn thiện. Hơn nữa, việc tiếp xúc với thiết bị, công nghệ mới thường xuyên sẽ giúp tester tăng thêm kiến thức và công việc không rập khuôn, nhàm chán".

Để thành công trong lĩnh vực lập trình, giới nhân viên tin học phải không ngừng học hỏi nhằm nắm bắt những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đồng thời khả năng sáng tạo phải cao. Và đa phần phái đẹp viết code (mã) không bằng nam giới, về lâu dài khả năng học hỏi cũng hạn chế hơn do bị chi phối bởi gia đình.

"Vì thế, một công việc tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với phẩm chất của phụ nữ như nghề tester rất được chị em quan tâm. Sự cẩn thận, kiên nhẫn giúp chúng tôi làm tốt công việc này hơn và do đó cơ hội thăng tiến cũng rất cao", chị Nguyễn Khánh Lê, kỹ sư kiểm lỗi phần mềm tại Công ty PSV (TP.HCM), bày tỏ.

Theo tiêu chuẩn thì tỷ lệ tester so với lập trình viên phải là 1:5, nghĩa là 1 tester tương ứng với 5 lập trình viên. Tỷ lệ này đôi khi tăng lên thậm chí là 1:3 tùy thuộc vào tính chất của dự án. Và trong khi lượng SV ngành công nghệ thông tin ra trường khó tìm việc làm thì các công ty phần mềm lại "khát" nhân lực, bởi số ứng viên đáp ứng được nhu cầu rất thấp.

Hiện nay, ý thức được tầm quan trọng của tester và nhằm tạo điều kiện để SV hiểu hơn về công việc kiểm lỗi phần mềm, các trường ĐH đã đưa vào chương trình tự chọn một vài môn học liên quan đến nghề này. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn thiếu hẳn những kỹ sư kiểm lỗi chuyên nghiệp và hầu hết ứng viên được tuyển dụng phải qua lớp đào tạo lại gồm lý thuyết và thực hành trực tiếp bằng cách tham gia vào dự án.

"Chúng tôi luôn có nhu cầu tuyển dụng tester nhưng tỷ lệ ứng viên đáp ứng được chỉ khoảng 10%, do hầu hết SV mới ra trường còn thiếu thông tin về công việc này", ông Nguyễn Đức Hồng, Phó tổng giám đốc phụ trách bộ phận Testing Service, công ty Global Cybersoft, cho biết. "Tìm lỗi không thực sự là công việc dễ dàng và tester cần phải tinh tế, nhạy bén trong những tình huống đặc biệt của ứng dụng đang kiểm tra. Kỹ sư kiểm tra chất lượng vừa phải có cái nhìn của người phát triển phần mềm, vừa phải là người dùng đầu cuối".

Đại diện của Công ty FSOFT cũng cho rằng do nhận thức về công việc kiểm lỗi khá đơn giản nên nhiều ứng viên không đáp ứng được yêu cầu, chỉ khoảng 12% được tuyển dụng. "Đôi khi chúng tôi phải lấy từ nguồn lập trình viên và thuyết phục họ bằng cách giải thích những yếu tố hấp dẫn trong công việc", ông Dũng bày tỏ.

Thông thường, người kiểm lỗi có cái nhìn tổng thể hơn cả kỹ sư lập trình và một tester giỏi sẽ làm việc khá nhàn trong khi hiệu quả lại tương đối cao. Công việc này được đánh giá dựa trên số lỗi tìm được trong một giờ hoặc một ngày, những lỗi nghiêm trọng đã phát hiện, tỷ lệ lỗi tìm được trước và sau khi cài đặt phần mềm phải từ 85% trở lên... Ngoài ra, mức độ thành công của dự án cũng phản ánh được hiệu quả công việc của những kỹ sư kiểm lỗi.

“Nghề tester trông có vẻ nhẹ nhàng hơn lập trình viên, nhưng không hẳn là không có áp lực. Công việc này còn mang ý nghĩa đánh giá chất lượng sản phẩm nên nếu chương trình có bug (lỗi) thì người đầu tiên chịu trách nhiệm sẽ là tester”, chị Lê bộc bạch.

Theo VnExpress