VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Nghề Casting ở Việt Nam


Công việc tuyển chọn diễn viên cho các phim nước ngoài đã ra đời hơn chục năm nay. Nhưng trong khoảng năm, sáu năm trở lại đây, dịch vụ cung cấp người mẫu cho phim ảnh, show thời trang, quảng cáo, nhiếp ảnh… ở ta mới thực sự nở rộ.

Một nghề đang tìm hướng đi ở VN

Ở nhiều nước, cùng với sự phát triển của công nghiệp điện ảnh - truyền hình - quảng cáo, các công ty chuyên trách việc casting ra đời từ rất lâu.

Ở ta, casting ban đầu chỉ là nghề tay trái của một số diễn viên. Ở Bắc có khoảng một chục người đảm nhận việc này. Đa phần họ là đạo diễn và diễn viên. Có thể kể đến như Trọng Phan, Hương Dung, Minh Tuấn - Ngọc Thư, Trần Nhượng, Lan Hương - Bích Ngọc…

Còn ở phía Nam đã xuất hiện khá nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này như Star Face, Visual.com, Vietcast… Bên cạnh đó nhiều công ty quảng cáo cũng cử nhân viên hoặc lập những bộ phận “kiêm” casting. Cũng có người hành nghề tự do, dựa trên những mối quan hệ quen biết và giới thiệu dây chuyền.

Một công ty casting chuyên nghiệp phải có nhân viên chuyên làm casting, phòng trang điểm, phục trang, studio… Tại studio, khi quay, chụp hình thử, hình ảnh sẽ được truyền trực tiếp qua camera xuống phòng đạo diễn chỉ đạo. Từ phòng họp, khách hàng và đại diện công ty cũng sẽ theo dõi đối tượng trực tiếp qua màn hình để quyết định chọn hay không.

Các công ty này thường có quan hệ chặt chẽ với giới nghệ sĩ và người mẫu, các công ty chuyên đào tạo và cung cấp người mẫu. Họ còn lập hệ thống chân rết với hàng trăm cộng tác viên để săn lùng người mẫu đúng theo yêu cầu của đối tác.

Yêu cầu cao nhưng chưa ổn định

Nghề casting đòi hỏi các “ông bà bầu” phải am hiểu nhiều mặt. Ngoài việc nắm trong tay danh sách điện thoại dài và thuộc nằm lòng những gương mặt tên tuổi trong giới biểu diễn, những người làm nghề casting còn phải nắm rõ khả năng, đặc biệt là thế mạnh của mỗi diễn viên vào những vai diễn phù hợp. Thông tin phải được cập nhật thường xuyên. Khi đạo diễn và nhà sản xuất có yêu cầu, họ đưa ra các gương mặt và cùng bàn bạc, cân nhắc để lựa chọn. Trong quá trình sản xuất, họ chịu trách nhiệm đảm bảo sự có mặt của diễn viên đúng thời gian và địa điểm.

Với những bộ phim lớn hoặc những hợp đồng casting đòi hỏi huy động hàng trăm người và thực hiện ở nhiều bối cảnh, công việc casting phải do một nhóm người đảm nhiệm.

Thời gian đầu, người làm nghề casting ở VN hái ra tiền nhờ những hợp đồng lớn với những công ty quảng cáo và các dự án lớn ở nước ngoài. Nhưng gần đây, nhiều đối tác lớn đã chọn Thái Lan và một số nước Đông Nam Á vì giá dịch vụ rẻ, thủ tục pháp lý lại tương đối đơn giản.

Thêm vào đó sau này còn nảy sinh những cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty casting. Họ tự dìm giá nhau để tranh giành khách hàng. Vì thế thị trường casting ngày càng trở nên phức tạp. Thông thường tùy vào số lượng người mẫu cần huy động mà các bên ấn định giá trị hợp đồng. Các hãng phim nước ngoài thường trả cho người casting theo ngày. Giai đoạn chuẩn bị làm phim là 15-20 USD/ngày, giai đoạn quay là 35-45 USD/ngày…

Còn với phim truyền hình, nhiều đạo diễn giao luôn phần cát-sê 9-10 triệu đồng/tập của toàn bộ diễn viên tham gia đóng phim cho bầu để họ chi trả. Có trường hợp chi lạm, bầu về tay không.

Sự chưa ổn định, chưa chuyên nghiệp của công việc này khiến nhiều bầu (nhất là ở phía Bắc) cho rằng nghề này chỉ là tay trái chứ không thể đảm bảo thu nhập thường xuyên. Hãng phim nước ngoài năm thì mười hoạ mới sang, còn phim trong nước thì ít cần đến casting diễn viên.

Phẩm chất đầu tiên: Có tâm với nghề

NSƯT Trọng Phan: Bên cạnh yêu cầu chuyên môn, các nhà làm phim phương Tây đòi hỏi cao về độ chính xác của giờ giấc làm việc, rất khoa học và hợp lý. Thông thường các dự án phim có thời gian chuẩn bị dài nên mình chủ động bố trí người theo yêu cầu. Còn về cát-sê, mình chỉ cố vấn cho diễn viên để họ tự thoả thuận với nhà sản xuất.

Diễn viên Minh Tiệp: Tôi từng được một vài người casting giới thiệu đến một số các show quảng cáo. Nhưng tôi thấy cách họ làm việc không được chuyên nghiệp cho lắm. Đến để dự tuyển, nhưng sau đó ngay cả kết quả casting chúng tôi cũng không được thông báo… Hầu hết các vai tôi nhận đều do đạo diễn mời đến thủ vai.

Đã có không ít lời kêu ca về việc bầu ăn chặn tiền của diễn viên, bầu không giữ đúng lời hứa về thù lao như mời lúc đầu… Diễn viên “biết điều” trở thành “mối ruột” được ưu tiên. Người dám phàn nàn về cát-sê thì sẽ bị xoá ngay khỏi “bộ nhớ” của bầu… Rồi các công ty ký được hợp đồng lớn nhưng giả vờ kêu than với bầu để trả thù lao ở mức bèo bọt cho cả bầu và người mẫu.

Với nhiều diễn viên, người mẫu lần đầu được mời thường ít kinh nghiệm trong việc thỏa thuận hợp đồng. Vì thế, người casting phải có tâm. Như thế họ mới bảo vệ được quyền lợi của người diễn viên và đưa ra những lời tư vấn hợp lý.

Người casting có trách nhiệm và tâm huyết với công việc sẽ chọn ứng viên đúng với yêu cầu. Họ không vì mối quan hệ thân tình, nể nang mà đưa vào những danh sách không phù hợp.

Nghề casting - Đòi hỏi tất yếu của tương lai

Nền công nghiệp điện ảnh - truyền hình - quảng cáo ở VN đang ngày càng đi vào chuyên nghiệp. Một trong những đòi hỏi tất yếu là phải có các công ty casting cũng như đội ngũ caster chuyên nghiệp. Nếu thiếu họ, các dự án phim nước ngoài, những hợp đồng quảng cáo, chụp hình… sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tuyển chọn diễn viên, người mẫu.

Diễn viên luôn là linh hồn của những bộ phim và các show quảng cáo. Nhưng công việc tìm kiếm và tuyển chọn lại không dễ dàng. Vì vậy những ai thực sự buồn với kết quả đạt được của giới biểu diễn mới hiểu hết cái giá phải trả cho nghề casting.

Theo Thế giới văn hóa